Làn da còn rất yếu và mỏng manh của trẻ sơ sinh thường rất dễ mắc các bệnh ngoài da. Các bệnh da liễu ở trẻ sơ sinh nếu không được kiểm soát và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng kéo dài cho đến khi trưởng thành. Dưới đây là những thông tin ba mẹ cần biết về các bệnh da liễu thường gặp ở trẻ sơ sinh.
1. Hăm tã ở trẻ sơ sinh
Hăm tã thường gặp ở những trẻ mặc tã cả ngày khi trẻ ra nhiều mồ hôi, nước tiểu đọng lại lâu trong tã bị bịt kín khiến da bị tổn thương. Hăm tã gây ngứa ngáy, càng gãi da càng trầy xước, thường nổi mẩn đỏ xuất hiện ở vùng da có nhiều nếp gấp và mông của bé. Vùng da bị phát ban có cảm giác ấm hơn so với các vùng da khác khiến bé cảm thấy khó chịu, quấy khóc. Nếu da có vết loét thì cần đưa trẻ đi khám.
2. Bệnh vàng da
Vàng da cũng là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp. Vàng da sơ sinh gồm 2 dạng là vàng da sinh lý hoặc vàng da bệnh lý. Vàng da sinh lý sẽ tự khỏi sau 1 – 2 tuần sau khi sinh, vàng da xuất hiện nhẹ ở mặt, cổ, ngực và không kèm theo bất kỳ triệu chứng khác. Ngược lại vàng da bệnh lý rất nguy hiểm, trẻ có thể bị co giật, hôn mê và không tự mất sau 1 – 2 tuần. Bệnh có thể phát hiện bằng mắt thường. Ba mẹ cần chú ý theo dõi trẻ để biết thời điểm đưa trẻ đi khám và điều trị.
3. Bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh
Bệnh chàm sữa là một bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh khá phổ biến. Thời gian đầu cơ thể trẻ xuất hiện các nốt màu hồng, sau đó biến thành các mụn nước đỏ, nứt da, tiết dịch, đóng vảy và bong ra. Các vết chàm thường xuất hiện ở hai bên má sau đó lan rộng ra tay chân hoặc toàn thân. Vết chàm sữa có thể tự khỏi khi trẻ 2 – 4 tuổi. Tuy nhiên, nếu đến tuổi này mà vẫn không lành thì có nguy cơ mắc bệnh chàm thể tạng.
4. Nổi hạt kê
Mụn kê thường xuất hiện trên trán, mũi và má bé, đây là bệnh ngoài da ở trẻ sơ sinh thường gặp. Mụn này lan rộng theo thời gian gây ngứa và sần sùi trên da. Mụn kê thường không đau, không ngứa. Tuy nhiên, nếu ba mẹ không chăm sóc đúng cách sẽ khiến da bị kích ứng hoặc viêm nhiễm, để lại sẹo trên da trẻ cả đời.
Da bé bị nổi hạt sần sùi nhỏ màu trắng mọc thành chùm trên da hoặc màu đỏ hồng trên có mụn nước đôi khi xen lẫn mụn mủ trắng ở vùng da tiết nhiều mồ hôi như trán, ngực, lưng và háng.
5. Nổi mề đay
Mề đay ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một bệnh lý da liễu thường gặp. Đây là bệnh khó điều trị, nếu trẻ có thói quen gãi ngứa sẽ khiến bệnh nặng hơn. Bệnh mề đay nổi trên da với những đám sần đỏ không đều, thành từng mảng, mề đay được chia làm 2 loại là mề đay cấp tính và mề đay mãn tính.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh mề đay là mẩn đỏ, ngứa da, sưng tấy. Trẻ bị nổi mề đay có thể do sức đề kháng yếu, dị ứng thức ăn, dị ứng hóa chất, dị ứng thời tiết, do dùng thuốc hoặc yếu tố di truyền.
6. Thủy đậu
Thuỷ đậu khiến cơ thể trẻ nổi mẩn đỏ, ngứa khắp người, quấy khóc, dần dần hình thành các mụn nước. Những ngày đầu bị nhiễm virus, trẻ bị sốt cao có khi lên đến 39 – 40 độ. Có biểu hiện ho, sổ mũi, thở khò khè, không bú sữa mẹ.
7. Chân tay miệng
Khi bị bệnh chân tay miệng bé có thể bị sốt nhẹ hoặc cao. Nếu sốt cao không hạ nhiệt thì đây là dấu hiệu bệnh nặng. Da bé có tình trạng mẩn đỏ, nổi mụn nước ở một số vị trí như quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối. Trong một số trường hợp trẻ có thể bị chán ăn, bỏ bú, nôn mửa, tiêu chảy, quấy khóc.
(Nguồn tham khảo: nhathuoclongchau)