Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đoàn Ngọc Quỳnh Trâm – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Hăm tã là tình trạng thường xuyên xảy ra ở các bé cưng, đặc biệt là vào những ngày mùa hè nóng bức. Cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về cách chữa hăm tã cho trẻ sơ sinh để con luôn thoải mái và phát triển tốt.

 

1. Nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh

Hăm tã xuất hiện do phản ứng tại da khi cơ quan bài tiết của da bị bít kín. Tình trạng này có thể xảy ra khi nước tiểu đọng lại trong tã bỉm lâu, ra mồ hôi nhiều mà không được giải phóng cho thông thoáng… Da dễ bị tổn thương, hăm và gây ra mụn nhọt, hoặc da bị trầy xước, ngứa ngáy, dễ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm nếu không được vệ sinh đúng cách. Hăm tã thường gặp ở trẻ sơ sinh dùng bỉm thường xuyên và trẻ 3 – 15 tháng tuổi.

Có nhiều nguyên nhân gây hăm tã ở trẻ sơ sinh, nhưng dưới đây là một số lý do phổ biến:

  • Da trẻ bị ẩm ướt: Ngay cả các loại bỉm có khả năng hút ẩm cao cũng có thể gây ẩm ướt. Khi da trẻ bị ẩm ướt trong thời gian dài sẽ tạo cơ hội cho các tác nhân gây hại trong phân và nước tiểu phát triển và gây tình trạng hăm tã. Nếu nhiễm khuẩn hay nhiễm nấm nặng hơn thì hăm có thể chuyển sang dạng viêm da.
  • Da trẻ bị chà xát với bỉm: Da trẻ bị chà xát vào bỉm cũng là một “thủ phạm” gây hăm tã phổ biến, đặc biệt là với những trẻ sơ sinh. Ở giai đoạn đầu đời, da trẻ rất nhạy cảm với các hóa chất như chất tẩy rửa dùng giặt tã hay hương thơm trong bỉm. Da trẻ sơ sinh rất ít khả năng chống đỡ với chất gây viêm và sẽ dễ bị hăm hơn những trẻ lớn.
  • Đồ ăn lạ: Trẻ sơ sinh bị hăm tã do đồ ăn lạ thường gặp khi trẻ bắt đầu ăn dặm. Thức ăn mới làm thay đổi thành phần trong phân trẻ khiến cho trẻ đi đại tiện nhiều hơn bình thường. Vùng da ở xung quanh hậu môn của trẻ dễ tấy đỏ và hăm hơn.
  • Nhiễm nấm: Có trường hợp trẻ sơ sinh hăm tã do nhiễm một loại nấm men Candida. Nấm Candidagây bệnh trên da rất phổ biến ở trẻ em, chúng có ở mọi nơi trong môi trường sống. Nấm Candida phát triển tốt ở nơi ẩm và ấm, nhất là bên dưới tã lót của trẻ.

 

2. Cách chữa hăm tã cho trẻ sơ sinh an toàn

Nappy rash self-care - MyDr.com.au

Dưới dây là một số cách chữa hăm tã cho trẻ sơ sinh an toàn và thường được sử dụng:

  • Dầu dừa: Dầu dừa có chứa Acid lauric, Vitamin E và Vitamin K có đặc tính kháng nấm và kháng khuẩn, giúp trị hăm cho bé rất hiệu quả. Bố mẹ chỉ cần thoa một lớp mỏng dầu dừa lên da bé nhằm làm dịu và giúp da ẩm, mềm.
  • Lá chè xanh: Lá chè xanh có chứa nhiều Polyphenol, Tanincó khả năng kháng khuẩn, làm sạch và phục hồi thương tổn cho vùng da hăm tã của bé. Bố mẹ có thể lấy lá chè xanh rửa sạch, sau đó đun sôi với 1/2 thìa cà phê muối và 1 lít nước sạch. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
  • Sữa mẹ: Là một cách trị hăm tã cho bé hiệu quả và ít tốn kém. Trong sữa mẹ có nhiều kháng sinh tự nhiên giúp diệt khuẩn và làm sạch da, từ đó giúp giảm các triệu chứng hăm tã. Mẹ chỉ cần nhỏ vài giọt sữa lên vùng da bị hăm tã và để khô trước khi cho bé mặc tã mới.
  • Lá khế: Chứa nhiều sắt, magie, kẽm, photpho, Vitamin C, các chất chống oxy hóa… có tác dụng tiêu viêm, sát khuẩn, giảm sưng, giảm nhanh tình trạng hăm tã ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy lá khế rửa sạch, vò nát rồi đun sôi với 1/4 thìa cà phê muối và 1,5 lít nước sạch. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé 2 – 3 lần/ ngày.
  • Giấm: Giấm có tác dụng để trung hòa, cân bằng lại độ pH có tính kiềm mà nước tiểu gây ra, từ đó giảm các triệu chứng của hăm tã. Bố mẹ có thể cho nửa chén giấm vào nửa xô nước, sau đó ngâm tã vải của bé vào dung dịch này, đồng thời pha một thìa cà phê giấm trắng vào nước ấm sạch và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
  • Lá trầu không: Chứa thành phần là Eugenol, Chavicol, Tannin, Vitamin C, Vitamin B1… có khả năng tiêu diệt vi khuẩn, kháng viêm đồng thời nuôi dưỡng và phục hồi làn da bị tổn thương của bé. Bố mẹ có thể lấy 4 – 5 lá trầu tươi, rửa sạch và vò nát, sau đó đun sôi với 200 ml nước sạch trong 10 phút. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé.
  • Bột yến mạch: Nguyên liệu này có chứa hàm lượng Protein cao, giúp làm dịu và duy trì hàng rào tự nhiên của da, đồng thời có hợp chất Saponin giúp loại bỏ bụi bẩn và dầu từ các lỗ chân lông của trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy một muỗng canh yến mạch khô pha với nước và cho trẻ ngâm khoảng từ 10 – 15 phút rồi tắm lại cho trẻ, cho tắm khoảng 2 lần/ ngày.
  • Búp ổi non: Nguyên liệu này có chứa Eugenol, Quercetin, Volatile oil có tác dụng kháng khuẩn, bảo vệ niêm mạc và hiệu quả trong xử lý hăm tã ở trẻ sơ sinh. Bố mẹ có thể lấy một nắm búp ổi non rửa sạch, sau đó đun sôi với nước sạch vừa đủ. Đợi ấm và dùng khăn mềm sạch thấm nước lau rửa vùng da bị hăm của bé khoảng 2 – 3 lần/ ngày.
  • Lô hội: Có đặc tính chống viêm, đồng thời giàu Vitamin E nên rất tốt trong việc điều trị hăm tã cho bé. Bố mẹ có thể cắt một lát mỏng lá lô hội rồi thoa lên vùng da bị hăm tã, sau đó để khô tự nhiên rồi mới mặc tã lại cho bé.

 

Sử dụng các nguyên liệu tự nhiên thường an toàn và mang lại hiệu quả trong việc điều trị hăm tã cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của ngày y học hiện đại, đã có nhiều dược phẩm giải quyết tình trạng hăm tã cho trẻ sơ sinh tốt, nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho các thiên thần nhỏ.

  • Các loại kem bôi chống hăm có chứa chất Panthenol, Dexpanthenol (tiền Vitamin B5) có khả năng duy trì độ ẩm cho da em bé.
  • Các loại thuốc chống hăm có chứa Lanolin, được chiết xuất từ mỡ cừu tự nhiên. Lanolin có tác dụng tạo nên một hàng rào bảo vệ không cho da của trẻ tiếp xúc với các chất kích ứng da như nước tiểu, phân.
  • Các loại thuốc xịt chống hăm tã có chứa Eosidin có nguồn gốc tự nhiên giúp giảm dị ứng da, bảo vệ da khỏi các tác nhân kích ứng, đặc biệt là hỗ trợ khả năng miễn dịch tự nhiên và củng cố hàng rào bảo vệ làn da của trẻ.
  • Các loại thuốc có thành phần tự nhiên khác như nguyên liệu được chiết xuất từ hoa cúc la mã, Allantoin chiết xuất từ rễ cây hoa chuông, chất làm mềm da tự nhiên Cetiol…

 

3. Dự phòng hăm tã cho trẻ sơ sinh

Phòng bệnh sẽ hơn chữa bệnh, do đó phòng ngừa tình trạng hăm tã cho trẻ sơ sinh sẽ hạn chế các triệu chứng khó chịu mà con trẻ gặp phải. Dưới đây là một số cách dự phòng hăm tã cho trẻ sơ sinh mà bố mẹ có thể tham khảo:

  • Thay tã cho trẻ thường xuyên mỗi 1 – 2 tiếng.
  • Sử dụng nước ấm sạch khi vệ sinh cho bé để tránh bị kích ứng, bố mẹ chỉ nên sử dụng nước ấm hoặc các dung dịch được pha với những thành phần được nêu ở trên, sau đó dùng khăn lau nhẹ nhàng.
  • Nếu bị bẩn, bố mẹ có thể dùng thêm một chút xà phòng có tính kháng khuẩn nhẹ, không có mùi hương, không gây kích ứng. Sau khi vệ sinh cho trẻ xong, hãy để vùng kín được khô thoáng trước khi đóng bỉm mới cho trẻ.
  • Cho trẻ được “thả rông” một khoảng thời gian trong ngày có thể giúp tạo sự khô thoáng cho vùng kín, đồng thời giúp trẻ bớt thấy khó chịu do tã cọ xát vào vùng da nhạy cảm. Để giảm nguy cơ trẻ tè dầm, bố mẹ có thể lót một chiếc khăn không thấm nước lên giường trước khi cho trẻ nằm lên.
  • Đổi nhãn hiệu tã khác nếu thấy trẻ bị kích ứng, hăm đỏ hậu môn, vùng kín. Tránh chọn các loại tã dễ bị tràn, có chứa mùi hương, dễ gây kích ứng cho những trẻ có làn da rất nhạy cảm. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên nên chú ý chọn kích cỡ bỉm phù hợp với trẻ, tránh để trẻ khó chịu, bí bách, chật chội.
  • Sử dụng kem bôi, thuốc chống hăm tã có tính bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng hăm tã. Nên sử dụng các sản phẩm có thành phần tự nhiên để làm sạch và dịu êm vùng da của trẻ.

Nguồn tham khảo: https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/cach-chua-ham-ta-cho-tre-so-sinh-an-toan/