Chăm sóc bé bị viêm da cơ địa như nào là tốt nhất?
Viêm da cơ địa là căn bệnh rất phổ biến thường trẻ ngứa ngáy, khó chịu, quấy khóc ảnh hưởng sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến bệnh tái đi tái lại nhiều lần và có thể để lại những tổn thương hoặc sẹo trên cơ thể gây mất thẩm mỹ. Cùng Bimunica tìm hiểu bệnh này ở bé, mẹ nhé!
1. Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở trẻ
– Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy đa phần trẻ bị viêm da cơ địa thường có người thân trong gia đình mắc bệnh này hoặc mắc các bệnh liên quan như bệnh chàm, viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm kết mạc dị ứng.
– Một số yếu tố nguy cơ:
+ Dị ứng: Nếu trẻ mắc các bệnh dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng thì nguy cơ mắc viêm da cơ địa rất cao.
+ Dị ứng thức ăn
+ Môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi
+ Thời tiết hanh khô, nhiệt độ thấp
+ Lông động vật hoặc một số chất liệu vải
+ Trẻ không được bú sữa của mẹ
+ Phản ứng sau tiêm phòng
2. Viêm da cơ địa nhận biết thế nào?
Triệu chứng bé bị viêm da cơ địa khá đa dạng, mỗi trẻ có thể có những biểu hiện khác nhau gồm:
– Da nổi mẩn ngứa, tình trạng ngứa khiến trẻ khó chịu và nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
– Da bé trở nên khô ráp hơn, gây cảm giác khó chịu.
– Da đổi màu: Thông thường khi mới khởi phát, vùng da viêm cơ địa sẽ có màu đỏ, sau đổi sang màu nâu xám.
– Da nứt nẻ, dày hơn.
– Sưng: Vùng tổn thương sẽ xuất hiện mụn nước nhỏ, có dịch nhưng chưa có vảy da. Sau đó, sẽ xuất hiện chảy dịch và đóng vảy tiết.
– Nếu bé gãi, cào và vệ sinh không sạch sẽ có thể khiến các mụn nước bị viêm, loét.
– Vùng bị tổn thương thường ở đầu gối, mặt duỗi các chi (tức các vùng có nếp gấp và tỳ đè).
– Bệnh sẽ tái phát nhiều lần cho đến khi trẻ lớn hơn ở tuổi thiếu niên hay trưởng thành. Ở một số trẻ, bệnh xuất hiện định kỳ, khởi phát rầm rộ rồi dần thuyên giảm, biến mất.
3. Chăm sóc viêm da cơ địa cho bé
Cha mẹ cần chủ động chăm sóc da cho bé đúng cách để bảo vệ con khỏi những tác nhân gây viêm da cơ địa, hạn chế bệnh tiến triển.
– Kiểm soát ngứa cho bé: Khi bị viêm da, trẻ thường ngứa ngáy và phản ứng tự nhiên ra gãi. Tuy nhiên hành động gãi có thể khiến tình trạng viêm da trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy phụ huynh cần lưu ý giúp trẻ kiểm soát và hạn chế tối đa việc gãi của trẻ. Có thể giảm ngứa với những biện pháp như băng ướt, đắp gạc ẩm tại những vùng ngứa ngáy. Đặc biệt cha mẹ cần vệ sinh tay cho trẻ sạch sẽ để phòng ngừa gãi gây bội nhiễm. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể làm con quên đi cảm giác khó chịu với những hành động đánh lạc hướng sự tập trung như cho trẻ chơi trò chơi, đọc sách, xem TV… Nếu trẻ ngứa nhiều, cha mẹ có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Tắm cho bé đúng cách: Không tắm nước nóng hoặc cho trẻ ở trong môi trường có nhiệt độ cao bởi điều này khiến da trở nên khô hơn, ngứa nhiều hơn. Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và có thể sử dụng các loại sữa tắm dưỡng ẩm toàn thân. Cha mẹ có thể để bé ngâm mình trong chậu nước tắm pha sữa tắm khoảng 15 phút để tăng cường cấp ẩm cho toàn thân bé. Thời điểm tốt nhất để tắm cho bé là 2h trước khi ngủ giúp trẻ thoải mái và ngủ ngon hơn.
– Một số lưu ý khác: Vệ sinh tay cho trẻ sạch sẽ để phòng ngừa gãi gây bội nhiễm;
cho trẻ mặc quần áo có chất liệu mềm mại, thấm hút tốt, thông thoáng; giữ gìn vệ sinh môi trường sống để nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng; trồng thêm cây xanh cho bầu không khí trong lành; hạn chế các loại động vật nuôi có lông như chó mèo; không tiếp xúc với các loại phấn hoa, hóa chất; giữ ấm cho trẻ và hạn chế ra ngoài thời tiết hanh khô; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp năng cao sức khỏe và hệ miễn dịch; cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là các loại nước trái cây giàu vitamin; thử phản ứng dị ứng của trẻ trước khi cho trẻ ăn những loại thực phẩm mới, đặc biệt là thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đồ ăn nhiều đường; không dùng các loại thảo dược để chữa viêm da phòng tránh kích ứng;
– Nếu phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng cần nhanh chóng đưa trẻ thăm khám tại các bệnh viện uy tín để được xử trí kịp thời. Không tự ý sử dụng các loại thuốc bôi ngoài sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.